Để giúp các em ôn tập tốt môn Ngữ Văn lớp 9, Novateen sẽ hướng dẫn các bạn phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của tác giả Thanh Hải.
Xem thêm>>> Bí quyết học giỏi môn văn 9 để thi đỗ vào lớp 10
Hướng dẫn các bạn phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
I. Tìm hiểu chung
1. Về tác giả:
Nhà thơ Thanh Hải sinh năm 1930, mất năm 1980, là bút danh của Phạm Bá Ngoãn, quê ở Phong Điền, thuộc Thừa Thiên – Huế. Trong những năm dài đen tối, đầy máu và nước mắt dưới ách thống trị tàn bạo của anh em Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mĩ. Ông là người có công lớn thắp sáng ngọn lửa thi ca cách mạng trong lòng Huế nói riêng và miền Nam nói chung.

Thanh Hải có sở trường về thơ năm chữ. Sáng tác thơ của ông gồm có: Những đồng chí trung kiên, Huế mùa xuân, Dấu võng Trường Sơn, … Các bài thơ: Mồ anh hoa nở Cháu nhớ Bác Hồ, Mùa xuân nho nhỏ, … là những bài thơ kiệt tác làm vẻ vang một hồn thơ xứ Huế.
2. Về tác phẩm:
Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được Thanh Hải sáng tác năm 1980 khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Đó là vào thời điểm tháng 11/1980. Không bao lâu sau thì nhà thơ qua đời.
3. Mạch cảm xúc của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
Mùa xuân thiên nhiên, đất nước => Mùa xuân của mỗi con người => Khát vọng được dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung.
4. Bố cục bài thơ gồm 4 phần.
Nhan đề:
– Đặc biệt: mùa xuân là một khái niệm trừu tượng, nhưng lại kết hợp với tính từ “nho nhỏ”, mùa xuân trở nên hiện hữu, có hình khối
– Tả thực:Mùa xuân là mùa đầu tiên, tươi đẹp và tràn đầy sức sống trong năm.
– Ẩn dụ: những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi con người.
=> Thể hiện ước nguyện được dâng hiến những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất – dù nhỏ bé – của mình cho đất nước, cho cuộc đời chung. Ước nguyên khiêm tốn, chân thành, giản dị nhưng vô cùng cao đẹp.
Xem thêm>>> Làm thế nào để đạt điểm cao môn Văn lớp 9 trong các kỳ thi?
II. Tìm hiểu chi tiết
1. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên
a. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân xứ Huế
– Hình ảnh cụ thể:
+ “Dòng sông xanh” là hình ảnh dòng sông quê hương, dòng sông Hương xứ Huế êm đềm, hiền hòa.
+ “Bông hoa tím biếc” – một hình ảnh thân thuộc của bông hoa súng, bông hoa lục bình.
+ Nghệ thuật đảo ngữ “Mọc” => gợi ấn tượng về sự đâm chồi nảy lộc, sự vươn lên, trỗi dậy và giàu sức sống. Làm cho hình ảnh bông hoa tím biếc càng thêm sống động và nổi bật trên cái nền dòng sông xanh, bức tranh trở nên sống động hơn, có hồn hơn.
– Màu sắc tươi sáng: màu xanh lam của dòng sông hài hòa với màu tím biếc của bông hoa, một màu tím giản dị, thủy chung, mộng mơ và quyến rũ. Đó là màu sắc đặc trưng của xứ Huế.
– Âm thanh rộn rã, vui tươi: Âm thanh tiếng chim chiền chiện, tươi vui, náo nức cả bầu trời mùa xuân
=> Bức tranh mùa xuân tươi đẹp, nên thơ, bình dị với không gian cao rộng, những hình ảnh cụ thể, màu sắc tươi sáng, âm thanh rộn rã, tươi vui…
b. Cảm xúc của nhà thơ: say sưa, trìu mến.
– Cảm xúc xốn xang rạo rực, say sưa ngây ngất trước vẻ đẹp của mùa xuân quê hương, mùa xuân đất trời.
– Từ “ơi”, “chi”: giọng điệu trìu mến, thiết tha.
– Nhà thơ không chỉ ngắm nhìn, lắng nghe, trò chuyện với mùa xuân một cách say đắm mà còn cảm nhận bằng tất cả các giác quan, bằng cả tâm hồn mình, bằng một trí tưởng tượng, liên tưởng độc đáo: “Từng giọt…tôi hứng”:
+ “Giọt long lanh”: giọt mưa, giọt sương đọng trên lá cây trong ánh sáng của mặt trời mùa xuân.
+ Cũng có thể hiểu, đây là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Ở đây có sự chuyển đổi cảm giác: từ thính giác đến thị giác, xúc giác.
+ “Tôi đưa tay tôi hứng” thể hiện thái độ trân trọng, nâng niu.
=> Bằng sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh và màu sắc cùng với lối nói ẩn dụ, đảo ngữ, tác giả đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh mùa xuân đặc trưng của xứ Huế.
=> Qua cảm xúc say sưa, trìu mến với cảnh vật thiên nhiên, người đọc trân trọng hơn, yêu hơn một tâm hồn nghệ sĩ, một tình yêu quê hương, đất nước đến vô ngàn của nhà thơ Thanh Hải.
2. Cảm xúc của nhà thơ về mùa xuân đất nước
a. Mùa xuân đất nước hiện lên với không khí tấp nập, khẩn trương trên cả hai mặt trận – xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Tác giả đã sáng tạo những hình ảnh sóng đôi “người cầm súng” và “người ra đồng:
+ “Người cầm súng”: những người chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở chiến trường.
+ “Người ra đồng”: những người nông dân đang cày cấy, trồng trọt để xây dựng đất nước.
=> Hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng” là những con người cụ thể. Những con người làm nên lịch sử với hai nhiệm quan trọng của đất nước: chiến đấu và lao động, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

– Hình ảnh “lộc”, vừa tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng:
+ “Lộc” là chồi non của cây cối. Người cầm súng, lộc trên lưng là cành lá ngụy trang. Người ra đồng, lộc của họ là những nương mạ nảy mầm tươi tốt, báo hiệu một mùa bội thu.
+ Hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của mùa xuân, cho thành quả của cách mạng ( mà người lính trong nhiệm vụ chiến đấu đem lại cho quê hương đất nước – hòa bình, độc lập, tự do ) và cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân.
– Nghệ thuật điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc
=> mối quan hệ giữa con người và mùa xuân. Mùa xuân phát triển sinh sôi theo bước chân con người và con người lại gieo lộc xuân góp vào mùa xuân của đất nước.
– Nhà thơ đã khái quát: Tất cả như hối hả – Tất cả như xôn xao
+ “Hối hả” diễn tả nhịp điệu khẩn trương, tất bật của những con người Việt Nam trong giai đoạn mới, thời đại mới, trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
+ Còn “xôn xao” lại bộc lộ tâm trạng náo nức, rộn ràng.
+ Điệp ngữ “tất cả”, các từ láy “hối hả”, “xôn xao”, nhịp thơ nhanh => cả đất nước bước vào mùa xuân với không khí khẩn trương,sôi động, náo nhiệt, rộn ràng.
b. Tác giả tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước
– Cụm từ “bốn nghìn năm” => khái quát được chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước.
– Nhà thơ nhân hóa “Đất nước…vất vả và gian lao” => đất nước hiện lên như một người mẹ tần tảo, vất vả và gian lao. Bởi đất nước đã trải qua biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu để dân tộc ta tạo dựng được những gì đáng tự hào nhất.
– Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, tác giả Thanh Hải đã so sánh “Đất nước như vì sao” => ngợi ca đất nước vĩnh hằng, trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng.

– “Cứ đi lên phía trước”, chỉ sự tiếp diễn của thời gian, “cứ” có nghĩa là đã, đang, sẽ và mãi mãi luôn luôn phát triển.
– Nghệ thuật điệp ngữ “Đất nước”: vượt qua mọi “vất vả, gian lao”, những khó khăn, thử thách đất nước tỏa sáng và trường tồn, kiêu hãnh và hiên ngang tiến lên phía trước. Không gì có thể ngăn cản được.
=> Tác giả bộc lộ niềm lạc, tin tưởng, tự hào khi viết về mùa xuân của đất nước.
3. Suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.
a. Khát vọng được hòa nhập vào cuộc đời chung
– Tác giả đã mượn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, để nói lên khát vọng của mình.
+ Con chim quý nhất là tiếng hót, bông hoa đẹp nhất là hương sắc dâng đời, nốt trầm sẽ lan xa và dễ làm xao xuyến lòng người.
+ Cuộc đời đẹp nhất, có ý nghĩa nhất là khi chúng ta sống đẹp, sống có ích, cống hiến những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
– Việc lặp lại hình ảnh “tiếng chim”, “bông hoa” : kết cấu đầu cuối tương ứng;khẳng định khát vọng hòa nhập vào cuộc đời chung của nhà thơ, của mọi người là một lẽ tự nhiên.
– Điệp từ “Ta”, “một”, động từ “làm” và “nhập” => khát vọng rất khiêm tốn, chân thành, giản dị nhưng vô cùng cao đẹp, tha thiết và cháy bỏng.
– Chuyển đổi đại từ nhân xưng, từ “tôi” sang “ta”:
+ Mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng như một lời nguyện ước.
+ Khẳng định sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và tập thể.
+ Khát vọng hòa nhập vào cuộc đời chung không chỉ của riêng nhà thơ. Mà là của tất cả mọi người, cái “tôi” của tác giả đã nói thay cho nhiều cái “tôi” khác.
b. Ước nguyện được cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước
– Hình ảnh: một mùa xuân nho nhỏ:
+ Mùa xuân cụ thể đẹp đẽ, xinh xắn.
+ Ẩn dụ biểu lộ một lẽ sống cao đẹp, sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất của mình.
=> Đây là ước nguyện chân thành, khiêm tốn nhưng vô cùng cao đẹp.
– Từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” kết hợp với đảo ngữ “ lặng lẽ dâng” tô đậm, gây ấn tượng về ước nguyện chân thành, khiêm tốn, không khoe khoang cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến.
– Hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi” chỉ tuổi trẻ và “khi tóc bạc” chỉ khi về già.
– Điệp ngữ “dù là” => giọng thơ tha thiết, sâu lắng, như tiếng lòng tự dặn mình đinh ninh: dẫu có ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai muơi tràn đầy sức trẻ. Hay khi đã về già, đau ốm, bệnh tật thì vẫn sống có ích, có ý nghĩa, cống hiến suốt cuộc đời cho Tổ quốc, nhân dân.
=> Ước nguyện cống hiến của nhà thơ thật giản dị, chân thành, khiêm tốn nhưng vô cùng mãnh liệt, bất chấp thời gian, tuổi tác. Khát vọng cống hiến đã làm cho cuộc đời con người trở nên ý nghĩa hơn.
4. Lời ngợi ca quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.
– Mở đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là âm thanh tiếng hót chim chiền chiện và kết thúc bài thơ là âm thanh tiếng hát: “Mùa xuân ta xin hát”, tạo nên âm hưởng vang mãi.
– Tác giả đã mượn khúc “Nam ai,Nam bình” đó là khúc hát của quê hương thể hiện tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước.
=> Như vậy xuyên suốt bài thơ là một bài ca không dứt. Phải yêu đời, lạc quan lắm mới có thể hát lên trong hoàn cảnh nhà thơ lúc đó.
– Quê hương đất nước Việt Nam trải dài ngàn dặm, chan chứa tình yêu vì thế mà Thanh Hải muốn hòa nhập vào mùa xuân đất nước.
=> Khổ thơ cuối là tiếng lòng của một trái tim sôi nổi, yêu đời, yêu sống. Luôn tin tưởng vào tương lai của đất nước và khao khát dâng hiến cho đất nước cho nhân dân.